“Mẹ tôi tuổi ngoài 90, cái tuổi “xưa nay thật hiếm” mà có lẽ nghe tới ai cũng nghĩ đã lú la lú lẫn rồi! Không, mẹ vẫn còn minh mẫn, “lú lẫn” chăng là mẹ ngày càng nhiều… cá tính!
Nếu không sống cùng mẹ thì không thể hiểu ý mẹ. Có khi mẹ như “con gái” nói có là không, nói không là có đó… Mẹ xoay chuyển câu chuyện, tình thế tài tình cốt cũng để con cháu vui vẻ, yêu thương nhau mà thôi.
Có khi mẹ giả vờ như quên trước quên sau, như có lần chị Năm ở Sài Gòn về thăm, mẹ lén nói với chị (sợ tôi nghe) “mầy điện kêu anh Ba mầy về thăm tao hơn tháng rồi nó không về”. Thật ra anh Ba tôi ở Cần Thơ mới về thăm bà tuần trước, bà nói thế cũng chỉ vì muốn cho anh em ở xa có dịp gặp nhau.
Con cháu đứa nào khá lâu không về là mỗi lần về bà cứ “diễn” như nhìn không ra, không nhớ vậy. Con cháu về bà mừng lắm nhưng thường tỏ ra yếu sức, ăn uống kém cỏi, nhờ đứa này đứa kia dìu đỡ… đến mức nhiều người hỏi tôi “bà yếu vậy sao?”.
Thật ra không đến mức như vậy. Bà làm thế chỉ để con cháu quan tâm hơn, về thăm bà thường xuyên hơn… Nghĩ mà thương, mà “thấm” cho sự trông mong, cô đơn, thiếu vắng của tuổi già.
Mẹ tôi con đông cháu đầy nhưng hầu hết đều ở xa, chỉ có vợ chồng tôi kề cận. Cứ mỗi cuối tuần hay ngày lễ là bà rạo rực trông mong chờ đón.
Tết Nguyên đán vừa xong là bà nhắc mùng 10 tháng 3 có đứa nào về không; giỗ Tổ vừa qua thì bà hỏi tới “3 ngày lễ lớn”…
Cứ vậy bà mãi mằn mò lật từng trang lịch, đám giỗ này thì bà nhắc đám giỗ sau. Nhắc nhở, chờ đợi, trông mong… cuộc sống của bà là thế! Ước gì con cháu cũng luôn “trông mong” như bà!
Khó tính với người già gần như là bản chất tự nhiên hay có thể nói “không khó tính không phải người già”.
Và, đã là bản chất tự nhiên (bản chất hay bản tính?) thì có gì đâu mà lạ, mà phàn nàn, dị ứng… Cái khó sẽ trở nên bình thường hay mất dạng khi tình yêu thương được nhen nhúm, đong đầy. Cảnh ngộ đó rồi cũng đến với mỗi chúng ta, xoay dần như thế.
Có khi mẹ cũng làm mình “hụt hẫng” như món ăn mình mua mẹ bảo không thích, không ăn… nhưng mai chiều người khác mang tới thì mẹ lại… khen ngon! Thôi thì “sao cũng được”, miễn mẹ ăn (dù là của ai) cũng vui rồi. (Thật ra là mẹ luôn ưu ái với món ăn của con cháu nơi khác mang tới, vậy là tôi sử dụng “chiêu” mua món này món kia rồi bảo của đứa này đứa nọ).
Người ta bảo được sống với cha mẹ già là diễm phúc, điều đó không sai. Nhưng thật lòng cũng có đôi lúc “bực bội”. Mỗi khi thế tôi “hóa giải” bằng cách nghĩ tới cái tuổi của mẹ, tới cái khoảng “thời gian sống dần eo hẹp” mà áy náy, ngậm ngùi…
Rồi mong ước như trẻ con là mẹ sẽ trở thành “kỷ lục gia” trong khu vực về… tuổi thọ!
Thanh Vân (Theo TTO)