Mỗi lần cùng nhóm bạn đến Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi TÂM PHÚC (gọi tắt là Dưỡng lão Tâm Phúc) thăm mẹ của cô bạn thân đang sinh sống tại đây, hình ảnh mấy cụ bà đau đáu chờ đợi, luôn miệng "Duy đâu rồi? Gọi Duy...", "Duy lên chưa?" khiến tôi không khỏi tò mò.
***
Mang nỗi băn khoăn "Duy là ai?", tôi lân la đi tìm câu trả lời.
Người đầu tiên tôi gặp là cụ K (người Hà nội). Khi cụ K bắt đầu có dấu hiệu lẫn, gia đình nhận thấy sự chăm sóc của mọi người là chưa đủ đối với cụ. Các con cháu hay người giúp việc tuy rất chu đáo nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn về bệnh lý của mẹ, vì vậy mọi người bắt đầu tìm hiểu về các viện dưỡng lão ở Hà Nội.
So sánh, cân nhắc, cuối cùng gia đình quyết định đưa bà K đến với trung tâm chăm sóc NCT Tâm Phúc- huyện Thanh Trì, Hà nội. Lúc đến trung tâm, cụ K đã 79 tuổi. Nhớ lại những ngày đầu, con trai cụ K chia sẻ: “may tôi đưa mẹ vào đây thì bà mới sống được đến giờ.”
Ông Thanh khẳng định: “tôi và gia đình đã không nhầm khi chọn nơi đây. Cảm nhận của chúng tôi là từ giám đốc đến nhân viên đều rất cẩn thận, tâm huyết và yêu nghề. Nếu ở nhà thì dù kinh tế đầy đủ và được con cháu yêu thương, chăm sóc cũng khó chuyên nghiệp như ở đây.” Vừa nói, ông vừa chỉ tay đến các bạn điều dưỡng viên ở phía cuối hành lang và tiếp lời: “Đấy chị xem, hàng ngày các cháu điều dưỡng viên đo huyết áp cho các cụ hai lần, tự tay cho uống thuốc, xoa bóp và bấm huyệt. Rồi tắm gội, giặt quần áo, tính toán dinh dưỡng cho từng bữa ăn chính- phụ, từng loại thức ăn và hoa quả phù hợp với người già. Thậm chí, các cháu ý còn dỗ dành khi các cụ giận dỗi nhau, trò chuyện để các cụ thêm vui. Toàn là những việc đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại.”
Ông Thanh còn nhấn mạnh: “Bảy năm trời gắn bó, mẹ tôi rất yêu quý các cháu điều dưỡng viên. Mà người đầu tiên mẹ tôi quý chắc phải kể đến cháu Duy. Khi mẹ tôi vào đây, Duy là chàng trai mới 25 tuổi, mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Y Sơn Tây.”
Bởi được nghe người thân của cụ K kể về Duy nên tôi quyết định dành hẳn một ngày ở lại trung tâm Tâm Phúc để quan sát Duy và công việc của cháu.
Duy bắt đầu công việc của một điều dưỡng viên từ năm 2013 khi vừa tốt nghiệp Y Sĩ. Lúc này cháu làm việc tại trung tâm dưỡng lão Vạn Phúc (tiền thân của Tâm Phúc). Cho đến bây giờ đã tròn 7 năm gắn bó với nghề điều dưỡng và các cụ ở đây. Duy vẫn vậy, không nề hà việc gì kể cả những việc mà có khi con cháu các cụ còn ngại ngần.
Một ngày làm việc của Duy cũng giống như các điều dưỡng viên khác là: kiểm tra sức khoẻ, đo huyết áp, tắm rửa, cho ăn hay dỗ dành- trò chuyện với các cụ. Ngoài ra, Duy còn phải tiếp người nhà đến thăm, khách đến tìm hiểu về trung tâm. Mới đây, Duy còn được phân thêm công việc hướng dẫn thực tập cho các điều dưỡng viên trước khi họ sang làm việc ở Cộng hoà liên bang Đức.
Tuy phụ trách nhiều việc như vậy nhưng chỉ cần có cụ gọi: “Duy đâu rồi? “, “Gọi Duy đi” là vài phút sau đã thấy cậu chạy đến bên các cụ cần.
Quan sát Duy cả một ngày, tôi như chợt hiểu ra vì sao các cụ lại dành tình cảm yêu quý tới cậu ấy như vậy. Từ nhà trở về trung tâm, các cụ cũng không quên mang quà đến cho Duy. Hay như chính những đồng nghiệp của Duy, tôi luôn cảm nhận được sự tôn trọng của các em đối với người anh cả này. Bất kể là công việc gì nếu như giám đốc trung tâm không kịp giải quyết, các bạn điều dưỡng viên khác đều hội ý với Duy. Mọi người ai cũng khẳng định Duy sinh ra là để cho công việc này, nhưng em thì lại giản dị cười chia sẻ: “cháu chỉ nghĩ chăm các cụ như chính ông bà của cháu”. Cái dáng vẻ chấc phát, hiền lành của Duy đã nói lên tất cả.
Cuộc sống xã hội ngày một thay đổi: nhiều ngành nghề mới, nhiều sự phân công lao động nhằm giảm tải gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, những con người làm những nghề tương đối mới- điều dưỡng viên ở viện dưỡng lão như Duy thật đáng quý.
Tháng 12.2020- Hiền Lương